Viết CV sao cho thu hút luôn là vấn đề gây đau đầu cho các ứng viên, đặc biệt là các bạn IT. Bài viết này sẽ gợi ý một số ý tưởng để hoàn thiện 1 CV đúng chuẩn, phù hợp và dễ nhìn nhé.

Các mục nên có:

  1. Thông tin cá nhân:

  • Họ tên: điền thông tin có dấu để tránh gây sự nhầm lẫn khi nhà tuyển dụng (NTD) gọi cho bạn.
  • Hình ảnh: nghiêm túc, rõ mặt, tươi tắn, sắc nét. Không nên sử dụng ảnh selfie, lạm dụng phần mềm chỉnh sửa.
  • Số điện thoại, email liên hệ: thông tin chính xác, sử dụng tên thật để tạo sự chuyên nghiệp. Tuyệt đối không: boylangtu@gmail.com, tramnamcodon@gmail.com v.v… Không dùng chung email với người khác.
  • Địa chỉ: để thông tin đầy đủ nếu bạn không muốn chọn công ty quá xa nhà.
  • Mục tiêu nghề nghiệp: tóm tắt trong vòng 2 – 3 câu định hướng ngắn hạn, dài hạn, quan điểm của bạn đối với công việc đang ứng tuyển.

2. Kinh nghiệm làm việc:

Các thông tin cần có:

  • Tên công ty
  • Thời gian làm việc
  • Tên sản phẩm/ dự án, kèm thể loại (fintech, edtech, v.v…….), mô tả tổng quan tính năng.
  • Công nghệ, ngôn ngữ lập trình dùng trong dự án
  • Vai trò của bạn: bạn đã đóng góp những gì trong thời gian tham gia dự án: coding, review/ test code, v.v…
  • Lưu ý: các thông tin trên nên được sắp xếp theo thứ tự thời gian từ mới -> cũ. Bên cạnh đó, bạn hãy cố gắng sử dụng từ ngữ đơn giản, tránh việc viết lan man dài dòng gây khó hiểu.

3. Các dự án cá nhân:

Nếu chưa có nhiều kinh nghiệm thực tế, hãy liệt kê các dự án cá nhân/ nhóm bạn đã từng thực hiện. Đây là mục giúp bạn ghi điểm hơn trong mắt NTD. Các thông tin nên có:

  • Tên dự án, thời gian dự án
  • Lĩnh vực, mô tả tổng quan tính năng dự án
  • Công nghệ, ngôn ngữ lập trình bạn/ nhóm đã áp dụng
  • Mục đích dự án.
  • Link github, mục này cực kỳ hữu ích để nhà tuyển dụng có thể xem code của bạn.

4. Thành tựu liệt kê một số thành tựu đạt được trong các dự án bạn từng tham gia. Ở đây có thể là bằng khen/ giải thưởng/ điểm số, những gì đã làm được trong quá trình tham gia dự án, hoặc kinh nghiệm/ kiến thức bạn đã học được nhờ dự án.

5. Kỹ năng chuyên môn: Trong CV nên có 1 mục để bạn liệt kê các kỹ năng chuyên môn, kèm thang điểm đánh giá (có thể đánh giá bằng số sao, %, thang điểm). Với kinh nghiệm là NTD, mục này rất cần thiết để có thể đánh giá tổng quan khả năng của bạn, tuy nhiên:

  • Hãy tự đánh giá bản thân khách quan. Tham khảo một số bài viết về cách tự đánh giá kinh nghiệm làm việc để nhận định chính xác năng lực bản thân ở thời điểm hiện tại
  • Đọc kỹ bản Mô tả công việc (JD) để hiểu được vị trí đó cần những kiến thức/ kỹ năng nào, chỉ liệt kê các kỹ năng liên quan đến vị trí tuyển dụng.
  • Liệt kê những kỹ năng nổi bật, và khiến NTD có ấn tượng với hồ sơ của bạn. Đừng liệt kê những kỹ năng ai cũng có, như: Word, Excel, v.v.

6. Trình độ học vấn: thông tin về nơi đào tạo, bằng cấp, chuyên ngành, thời gian học.

7. Một số thông tin khác: có thể đưa vào một số thông tin thể hiện cá tính, giúp NTD hiểu hơn tính cách, con người UV, như:

  • Sở thích, tài lẻ: board games, đọc sách, đàn, v.v…, bất cứ sở thích/ tài lẻ nào bạn có.
  • Thông tin reference check: quy trình tuyển dụng ngày càng xem trọng thông tin reference check để phía công ty có thể đánh giá mức độ phù hợp của ứng viên với tập thể đó. Thông tin reference check nên để: đồng nghiệp, sếp cũ, thầy cô. Không nên là bạn thân, người nhà,v.v…. Nên hỏi ý trước người bạn muốn đưa thông tin vào mục reference check để họ thoải mái và sẵn lòng hỗ trợ bạn cung cấp thông tin khi NTD liên hệ.

Một số lưu ý:

  • Viết đúng chính tả. sử dụng dấu chấm, phẩy, v.v… xuống dòng hợp lý.
  • Đồng nhất font chữ trong 1 bản CV.
  • Hạn chế sử dụng màu sắc nổi bật như cam/ đỏ/ vàng….. gây nhức mắt, khó đọc.
  • Sử dụng hiệu ứng hình ảnh vừa phải, hạn chế sử dụng các hiệu ứng gây rối mắt.
  • Căn chỉnh lề cẩn thận, size chữ vừa phải dễ nhìn.
  • Không viết những thông tin sai sự thật. Hãy nhớ, nhà tuyển dụng có rất nhiều cách để kiểm tra thông tin bạn cung cấp, vì vậy hãy chân thật bạn nhé.
  • Rà soát CV thật kỹ trước khi gửi.
  • Hiện nay có rất nhiều trang web sẵn CV templates như: topcv.cn, canva, v.v… các bạn có thể vào tham khảo và sử dụng những mẫu CV có sẵn, điều chỉnh thông tin cho phù hợp.
  • Nên chỉnh file thành PDF để tránh lỗi font, nhảy format.

Khi nhận hồ sơ, NTD không chỉ xem trình độ, kinh nghiệm mà còn đánh giá cả về cách trình bày, văn phong… tất cả các yếu tố đều được cân nhắc để quyết định xem công ty có nên hẹn bạn phỏng vấn không. Vậy nên, hãy thật cẩn thận và chăm chút cho CV của mình để thêm cơ hội có được công việc ưng ý nhé.

Bạn cũng có thể tạo CV miễn phí giúp bạn thu hút nhà tuyển dụng.
Và sau đó tìm job phù hợp.

Quản lý Data ứng viên tiềm năng ứng dụng công nghệ AI và Xây dựng Thương hiệu tuyển dụng hiệu quả.

Đăng ký NGAY