Bạn có thể chuyển việc vì nhiều yếu tố. Đó có thể là vì định hướng nghề nghiệp thay đổi, thu nhập thấp, mâu thuẫn với đồng nghiệp/ cấp trên… Dù với lí do gì, để tránh những sai lầm đáng tiếc khi ra quyết định, bạn hãy lưu ý một số vấn đề dưới đây:
Những dấu hiệu cho thấy bạn nên chuyển việc
1. Mức lương quá thấp so với thị trường
Có 2 cách giúp xác định bạn liệu có đang bị trả lương thấp hay không. Đầu tiên, khi bạn biết một nhân viên mới không có/ ít kinh nghiệm hơn bạn nhiều nhưng mức lương bằng hoặc thậm chí cao hơn mức bạn đang nhận, với khối lượng, trách nhiệm công việc tương đương bạn. Ngoài ra, hãy tìm hiểu mức lương trung bình trên thị trường ở vị trí công việc hiện tại. Bạn có thể tham khảo số liệu từ các trang tìm việc uy tín, hoặc có thể nhận tư vấn từ các headhunter. Cách khác, hãy chủ động ứng tuyển vào một số công ty cùng ngành, qua những buổi phỏng vấn thực tế bạn có thể biết mình đang ở mức nào trên thị trường lao động. Nếu thật sự mức lương hiện tại không xứng đáng với số năm kinh nghiệm và kiến thức bạn có, đây là dấu hiệu đầu tiên cho thấy đã đến lúc bạn nên thay đổi công việc.
2. Khi bạn có dấu hiệu “brownout”
Chúng ta có lẽ đã quen khái niệm “burnout” (kiệt sức) khi quá tải, mệt mỏi với khối lượng công việc, trách nhiệm phải gánh. Thế nhưng, một khái niệm mới – “brownout” xuất hiện, còn kinh khủng hơn nhiều. “Brownout” là triệu chứng không có năng lượng, chán nản và không thiết làm việc nữa. Tình trạng này thường xảy ra với những nhân viên có năng lực tốt nhưng công việc hiện tại đơn giản, không đòi hỏi nhiều kinh nghiệm chuyên mô, lâu dài khiến họ dậm chân tại chỗ và mất đi cơ hội phát triển. Đây là lúc bạn nên cân nhắc tìm đến những thử thách ở một môi trường làm việc mới.
3. Khi mối quan hệ với đồng nghiệp/ cấp trên đột nhiên xấu đi
Nếu bạn không phải là người hay gây rối, ngược lại bạn kiên trì, chuyên nghiệp và trung thành cùng công ty đi qua những thăng trầm. Nhưng đến một ngày, đột nhiên bạn cảm nhận mối quan hệ giữa bạn và đồng nghiệp/ cấp trên dần có khoảng cách, bạn không thể tìm ra nguyên nhân và cũng không có cơ hội hóa giải hiểu lầm, xung đột nếu có, vậy đã đến thời điểm bạn nên suy nghĩ đến việc rời đi. Để bản thân được thoải mái hơn, và lựa chọn một nơi phù hợp hơn cho mình.
Những việc cần chuẩn bị khi quyết định chuyển việc
1. Tìm hiểu và cân nhắc thật kỹ trước khi quyết định
Bạn cần tìm hiểu kỹ nhiều thông tin, và xác định rõ nhu cầu của bản thân. Hãy tự đặt ra những câu hỏi: bạn muốn tìm một công việc mới như thế nào? Môi trường làm việc nào phù hợp với bạn? Bạn có thể làm việc thời gian linh động hay cần có giờ giấc cố định? Công việc mới lương và chính sách phúc lợi có tốt hơn hiện tại không?v.v… Đừng rải CV vô tội vạ, hãy đọc kỹ mỗi bản mô tả công việc, tìm hiểu kỹ thông tin về công ty bạn dự định ứng tuyển. Cách làm này giúp bạn giới hạn được phạm vi tìm kiếm và tiết kiệm thời gian khi tìm công việc mới.
2. Trao đổi thông tin rõ ràng khi phỏng vấn
Trước khi nhận lời mời làm việc, bạn nên chia sẻ thắng thắn với nhà tuyển dụng các mong muốn: lương, chính sách phúc lợi, định hướng phát triển, v.v… Bên cạnh đó, trước khi đến phỏng vấn, bạn nên list ra những câu hỏi cần thiết, ghi chú lại thông tin nhận được khi phỏng vấn, để có thông tin tham chiếu rõ ràng trước khi quyết định.
3. Biết điểm dừng
Khi đã tìm được công việc giống hoặc tương đương mục tiêu ban đầu, bạn nên nắm bắt ngay và có định hướng gắn bó lâu dài với công việc đó. Cơ hội không đến nhiều lần, cũng không có cơ hội nào là tốt nhất, vì thế hãy cho bản thân thời gian để thích nghi với môi trường mới, hạn chế suy nghĩ đến đến hai từ “nhảy việc” khi chưa cố gắng hết sức, bạn nha.
4. Để lại ấn tượng đẹp
Dù nghỉ vì bất mãn, mong bạn vẫn hãy cư xử thật đàng hoàng, báo trước ngày nghỉ theo đúng quy định công ty, trình bày rõ ràng nguyên nhân nếu bạn cần nghỉ sớm hơn quy định, bàn giao công việc thật chu đáo, và hỗ trợ cho những người nhận công việc bàn giao trong vòng 2 tuần tiếp theo sau khi bạn nghỉ, để họ có thời gian làm quen với công việc bạn để lại. Đừng quên gửi lời cảm ơn sếp, đồng nghiệp, những người đã từng hỗ trợ, đào tạo từ những ngày bạn mới vào công ty. Và cố gắng giữ mối quan hệ tốt với các đồng nghiệp cũ kể cả khi bạn đã nghỉ việc.
Dù đã quá chán nản công việc hiện tại và quyết tâm thay đổi để tìm một hướng đi tốt hơn cho bản thân, trước khi đưa ra quyết định nghỉ việc, bạn hãy cân nhắc kỹ tình hình tài chính của mình, khả năng tìm việc mới trong thời điểm hiện tại, nghĩ đến những tình huống xấu nhất có thể xảy ra nếu bạn không thể có công việc mới ngay để chuẩn bị tâm lý tốt nhất cho mình, và không bị động trong khoảng thời gian chưa có việc làm mới nhé.
Quản lý Data ứng viên tiềm năng ứng dụng công nghệ AI và Xây dựng Thương hiệu tuyển dụng hiệu quả.